Bộ Sưu Tập

Măng cụt được ví là “nữ hoàng” trái cây, cực tốt nhưng ăn không đúng lại hoá “độc”

August 7, 2023

Nếu như sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại quả, thì măng cụt được biết tới là “nữ hoàng” trái cây. Sự thanh mát, vị ngọt vừa phải chính là lý do khiến loại quả này được yêu thích khắp nơi trên thế giới.

Loại trái cây tốt cho sức khoẻ

Ngày nay, măng cụt có mặt khắp Đông Nam Á như Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Philippines. Ở Việt Nam, măng cụt được du nhập vào miền Nam Việt Nam rồi trồng nhiều ở các tỉnh phía nam do cây ưa nắng, khí hậu nóng ẩm giúp cây dễ dàng phát triển.

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho hay, măng cụt được sử dụng trong nhiều loại thuốc chống viêm. Các chiết xuất từ măng cụt có tác dụng chống dị ứng, chống viêm, giảm đau, ức chế giải phóng histamin và prostaglandin, các chất gây viêm trong cơ thể, phòng ngừa ung thư.

Măng cụt là trái cây phổ biến ở Việt Nam tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều măng cụt cùng một lúc.

Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, với những người có cơ địa nhạy cảm, ăn măng cụt có thể xảy ra phản ứng dị ứng nhẹ như: nổi mề đay, da mẩn đỏ, sưng, ngứa và phát ban. Do trong nhựa của măng cụt có chất gây ra dị ứng. Có những trường hợp phản ứng mạnh còn gây nguy hiểm đên tính mạng.

Măng cụt (ảnh: Nguồn wallpapers)

Vì lẽ đó, những người có cơ địa dị ứng càng cần phải thận trọng khi ăn măng cụt. Nếu ăn nên thử với một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể. Nếu cơ thể không xảy ra vấn đề bất thường thì mọi người có thể ăn bình thường. Còn đối với trường hợp ăn măng cụt xong bị mẩn ngứa, nổi mề đay, mọi người cần nghĩ tới khả nănt bị dị ứng và nên đi thăm khám sớm.

Ông Sáng cũng cho hay, trong quả măng cụt có nhiều axit lactic, nếu ăn quá nhiều sẽ không tốt cho dạ dày. Những người đang điều trị bệnh lý dạ dày cấp tính không nên ăn loại trái cây này vì có thể làm bệnh lý nặng thêm.

Cũng theo một nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (Mỹ), ăn măng cụt hàng ngày với số lượng lớn trong 12 tháng có thể gây ra tình trạng nhiễm axit lactic nặng. Khi axit lactic tích tụ bất thường trong máu, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn và cơ thể yếu, nếu không điều trị kịp thời có thể gây sốc, đe dọa tính mạng.

Nhà khoa học Đắc Sáng cũng cho biết thêm, hợp chất xanthones trong măng cụt có tính chống viêm nhưng không phải tốt cho tất cả mọi người. Với người đang dùng các loại thuốc làm loãng máu, cần phải cẩn trọng khi ăn măng cụt.

Do xanthones có thể gây cản trở quá trình đông máu diễn ra bình thường, làm chậm đông máu. Cũng chính vì lý do này nên những người cần phải làm phẫu thuật cần tránh ăn loại quả này.

Ngoài ra, các trường hợp đang bị xuất huyết tiêu hoá cũng cần phải tránh ăn măng cụt sau phẫu thuật để tránh nguy cơ tổn thương dạ dày do axit lactic cao và chảy máu bất thường do có liên quan tới chất xanthones có trong măng cụt.

Theo ông Sáng, quả mặng cụt có tác dụng phụ gây mất ngủ, đau đầu nhẹ, đau khớp vì vậy phụ nữ đang mang thai nên hạn chế ăn loại quả này.

Đối với trẻ nhỏ khi ăn măng cụt cần phải cẩn trọng vì trẻ có thể nuốt phải hạt lép. Dù chưa có nghiên cứu hạt măng cụt gây độc nhưng khi trẻ nuốt phải hạt măng cụt sẽ có nguy cơ bị hóc dị vật, gây tắc nghẽn đường thở rất nguy hiểm. Trường hợp dị vật trôi được xuống đường tiêu hoá có thể gây ra tắc ruột. Do vậy, khi trẻ ăn măng cụt cần có sự giám sát của người lớn.

Măng cụt là loại quả thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ nhưng nhóm đối tượng đặc biệt kể trên vẫn cần phải cẩn trọng khi ăn.

Nguồn: Sưu tầm